1.Tài khoản định danh điện tử là gì?
Căn cứ Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh:
Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, do Bộ Công an phát triển.
2. Tài khoản định danh điện tử được sử dụng như thế nào?
Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.
Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền… Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
3.Tài khoản định danh điện tử có những mức độ nào?
Mức độ của tài khoản định danh điện tử gồm:
– Mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Với tài khoản mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng,…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng,…).
– Mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
– Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp như: đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…), thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
4. Có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở đâu?
Tùy theo nhu cầu và điều kiện của công dân để lựa chọn một trong các hình thức sau:
– Đến trực tiếp cơ quan công an các cấp (Tỉnh/ thành phố, Quận/ huyện, Phường xã) để được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản định danh điện tử Mức 2 (Công dân có thể sử dụng Ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia để thực hiện đặt lịch hẹn làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử trước khi đến Cơ quan công an).
– Thực hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 1 trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia.
5. Điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử là gì?
Căn cứ Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh:
– Đối với cá nhântừ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.
– Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
– Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
– Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:
+ Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài).
+ Họ, tên đệm và tên.
+ Ngày, tháng năm sinh.
+ Giới tính.
+ Quốc tịch (đối với người nước ngoài).
+ Số điện thoại, email.
6. Cần thiết bị như thế nào để có thể sử dụng được tài khoản định danh điện tử?
Tính đến hiện tại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia yêu cầu thiết bị di động của công dân sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc IOS 9 trở lên. Ngoài ra khuyến khích nên sử dụng thiết bị có camera tốt, cấu hình thiết bị từ trung bình trở lên và đảm bảo kết nối internet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng ứng dụng.
7. Có thể tải và cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) ở đâu và sử dụng như thế nào?
Ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia có thể được tải về thông qua kho ứng dụng Google play (CH play) đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và App Store đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS.
8. Tôi bị mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia thì tôi cần làm gì?
Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:
– Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia.
– Liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
9. Tôi có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị cùng lúc không?
Theo quy định thì tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm nên công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.
10. Tôi cần chú ý điều gì nếu muốn sử dụng xác thực bằng vân tay/nhận dạng khuôn mặt cho ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID)?
Công dân cần nhập mật khẩu của tài khoản định danh điện tửvào lần đăng nhập đầu tiên trên thiết bị, từ những lần sau công dân có thể sử dụng vân tay/ảnh mặt để xác thực thay thế mật khẩu đăng nhập bằng cách thiết lập trong ứng dụng.Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, công dân sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung bằng vân tay/ảnh mặt và mã passcode (chỉ công dân mới biết). Mật khẩu của tài khoản của công dân được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối thiểu 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần).
Công dân cần đảm bảo thiết bị chỉ có vân tay/ khuôn mặt của mình. Trường hợp có vân tay/ khuôn mặt của người khác trên thiết bị đó thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và cần nhớ đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng.
11. Các ứng dụng độc hại vô tình được cài trên điện thoại của tôi, thì dữ liệu cá nhân của tôi được hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có thể bị truy cập bất hợp pháp không?
Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNEID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.
Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải “cho phép” tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.
Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…; y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của công dân. Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ), và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao thì công dân không cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
12.Trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của tôi có được đảm bảo an toàn không?
Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
13. Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có những tính năng nào?
Có rất nhiều tính năng sẽ được Bộ Công an cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia. Nổi bật trong đó là:
– Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
– Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
– Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
– Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…). Tất cả quy trình thực hiện giao dịch công dân có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
14. Khi tôi muốn sử dụng tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, tôi phải làm gì?
Khi tài khoản định danh điện tử của công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thựcđảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.
15. Tôi quên mật khẩu đăng nhập, tôi phải làm gì để có thể đặt lại được mật khẩu?
Trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia hỗ trợ công dân chức năng để thiết lập lại mật khẩu theo nhiều hình thức như qua SMS OTP, E-mail, Câu hỏi bảo mật.
16. Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử tôi thì tôi cần chú ý điều gì?
Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử của mình công dân cần chú ý:
– Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác.
– Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị.
– Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức – thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.
17. Hạn sử dụng của tài khoản đinh danh điện tử là bao nhiêu?
Định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ CCCD gắn chip.
18. Các loại giấy tờ mà tôi cung cấp có cần lưu 1 bản tại cơ quan công an không? Nếu có thì bản đó có cần công chứng không?
Không. Từ hệ thống sẽ in phiếu đăng ký trong đó bao gồm các thông tin tích hợp để công dân ký chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin.
19. Lệ phí đăng ký định danh điện tử là bao nhiêu?
Miễn phí chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử.
20. Một số điện thoại có thể sử dụng đăng ký định danh điện tử cho nhiều người được không?
Không. Một số điện thoại duy nhất chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số CCCD để xác thực OTP.
21. Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có quyền truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại không?
Trong một số dịch vụ cần truy cập đến danh bạ và hình ảnh có trong điện thoại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia sẽ thông báo yêu cầu công dân cung cấp quyền truy cập để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
22. Tôi nhận được cuộc gọi “lạ” tự xưng cán bộ Công an yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng,… để cấp tài khoản định danh điện tử. Tôi có nên thực hiện theo những yêu cầu trên không?
Không. Hiện nay, người dân có thể đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử qua Ứng dụng VNEID hoặc ra trực tiếp cơ quan Công an để thực hiện. Cán bộ Công an sẽ không gọi điện yêu cầu công dân cung cấp thêm thông tin cá nhân hay bất kỳ loại giấy tờ nào khác.
Hiện nay, Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng những thông tin bị lộ, lọt trên mạng Internet của công dân để giả mạo Cơ quan chức năng gọi điện cho người dân yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực gửi về điện thoại,… Sau đó, những đối tượng này dung thông tin trên đăng nhập các ứng dụng Ngân hàng online, Momo, Zalopay… của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an đề nghị người dân chú ý bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an. Nếu nhận được những cuộc gọi như trên, đề nghị người dân thông báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp kịp thời xử lý.