Kính thưa toàn thể nhân dân!
Mặc dù được các cơ quan Công an các cấp thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo (gửi tin nhắn qua các nhà mạng, zalo, tuyên truyền trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng…) song thời gian gần đây vẫn có người dân trên địa bàn xã bị sập bẫy lừa đảo, trở thành “miếng mồi ngon” cho tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể, các phương thức như sau:
1. Giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Toà án…): Đối tượng tự xưng là cán bộ Viện kiểm sát, Công an, Toà án, thậm trí còn quay trực tiếp để nạn nhân nhìn thấy chúng mặc quân phục của ngành … thông báo vi phạm liên quan đến đường dây rửa tiền, ma tuý,… hoặc thông báo bị hại có biên lai nộp phạt vi phạm giao thông sắp hết hạn, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản chúng cung cấp để chiếm đoạt tiền.
2. Giả danh nhân viên ngân hàng: Hướng dẫn cung cấp phần mềm để nạn nhân cài đặt sẽ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
3. Mạo danh Bảo hiểm xã hội: Thông báo nợ tiền hoặc trục lợi Bảo hiểm xã hội, yêu cầu đóng phí để chiếm đoạt.
4. Giả danh lãnh đạo: Lập facebook, zalo sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới để lừa tiền.
5. Hack facebook: Chiếm đoạt quyền sử dụng facebook của nạn nhân nhắn tin đến cho bạn bè, người thân của nạn nhân để mượn tiền.
6. Mạo danh công ty tài chính: Cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu đóng phí vay sau đó chiếm đoạt tiền phí.
7. Giả danh cán bộ viễn thông thông: Báo nợ cước hoặc tín dụng, sau đó giả làm Công an yêu cầu đóng tiền để phục vụ điều tra.
8. Lừa nâng cấp sim 4G: Nếu làm theo hướng dẫn của chúng sẽ bị mất số điện thoại và tài khoản ngân hàng đăng ký theo số đó.
9. Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thoại thông báo trúng thưởng tiền, đô la, xe… yêu cầu nạn nhân đóng phí sau đó chiếm đoạt.
10. Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả danh là người nước ngoài gửi quà về tặng nạn nhân hoặc gửi tiền về làm từ thiện, nạn nhân được hưởng 30-40%, sau đó giả làm Hải quan, nhân viên sân bay, cửa khẩu… yêu cầu đóng phí để nhận quà.
11. Tuyển cộng tác viên (SHOPEE, LAZADA…..): Chốt đơn hàng ảo nhận hoa hồng 1-2 lần đầu, đến đơn hàng có giá trị lớn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền và chiếm đoạt số tiền nạn nhân thực hiện nhiệm vụ.
12. Tìm người làm việc ở nhà: muốn nhận sản phẩm về làm thì phải đặt tiền cọc, sau khi nhận tiền cọc của nạn nhân xong thì đối tượng chiếm đoạt.
13. Mua bán hàng trực tuyến: Gửi đường link thanh toán trực tuyến chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền cọc trước rồi chiếm đoạt.
14. Giả vờ chuyển nhầm tiền: Để ép vay và yêu cầu nạn nhân trả vào tài khoản khác, sau một thời gian, chủ tài khoản chuyển nhầm quay lại yêu cầu đóng lãi, nếu không sẽ kiện ra toà và quấy rối.
15. Cho số lô, số đề để đánh: Để nhận được số lô, số đề phải mất phí, nếu trúng phải chia hoa hồng cho đối tượng.
16. Các ứng dụng vay tiền nhanh qua mạng internet, mạng xã hội Zalo, Facebook.
17. Kêu gọi đầu tư tài chính vào các sàn chứng khoán, tiền ảo để chiếm đoạt.
18. Gửi đường link lạ: khi nạn nhân đăng nhập vào sẽ bị đánh cắp tài khoản ngân hàng.
KHUYẾN CÁO NGƯỜI DÂN
1. Không chuyển tiền cho bất kỳ ai hoặc thông qua điện thoại, internet, ngân hàng, app… mà không biết rõ họ.
2. Cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời đến trụ sở.
3. Không nhắn vào các đường link lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tài khoản E-banking cho bất kỳ ai; khi người quen, người thân nhờ chuyển tiền, mượn tiền, hãy gọi điện để xác nhận lại.
4. Không cho mượn, cho thuê, mua bán trái phép các loại giấy tờ cá nhân như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng…
Khi người dân gặp phải các thủ đoạn nêu trên không được chuyển tiền mà cần liên lạc ngay với Công an xã để được tư vấn, hướng dẫn.
Công an xã Tân Hồng trân trọng thông báo./.