|
Nhà trường luôn duy trì nề nếp hoạt động đầu tuần |
Vùng đất nhiều Tiến sĩ nhất Việt Nam
Làng Mộ Trạch (ngày xưa có tên là Khả Mộ) thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là một làng có dân số đông, dòng họ Vũ chiếm tỷ lệ 87,3% dân số. Khả Mộ ngày xưa được cụ Vũ Hồn khai lập (Cụ vũ Hồn là con trai của cụ Vũ Huy, một vị quan của triều đại nhà Đường và cụ Nguyễn Thị Đức, người con của làng Mạn Nhuế xưa, một vùng đất của huyện Nam Sách ngày nay). Cụ Vũ Hồn là một vị quan lớn của nhà Đường (Trung Quốc), khi được cử sang An Nam làm Thứ Sử Giao Châu (Việt Nam ngày nay), cụ Vũ Hồn thấy nơi này (Làng Chằm Thượng xưa) là vùng đất có phong thủy tốt, giữ làng này làm nguyên quán thì đời đời sẽ phát về đường khoa bảng. Vì vậy, Cụ quyết định cắm đất, lập trại và đặt tên làng là Khả Mộ (Nghĩa là ấp đáng mến). Sau này, vào triều nhà Trần (1226-1400), làng Khả Mộ được đổi tên là Mộ Trạch, nghĩa là vùng đất được mến mộ.
Tương truyền, sau khi lập làng, cụ Vũ Hồn mở lớp dạy học, gây dựng đức tính hiếu học cho các thế hệ con cháu, từ đó mở ra truyền thống hiếu học cho làng. Sau đó, làng Mộ Trạch đã trở nên đông đúc và phát tích khoa bảng rực rỡ, trong khoảng thời gian của triều Lê (1428-1789) làng Mộ Trạch đã có đến 36 vị đỗ tiến sĩ, mấy chục vị khác đỗ hương cống, sinh đồ, tú tài; nhiều vị đảm đương các chức vị cao trong triều đình thời ấy. Từ đó, tên làng Mộ Trạch đã tồn tại suốt gần tám trăm năm đến ngày nay; làng được vua Tự Đức ban tặng lời vàng: "Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ" (Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ). Ngày nay, nhiều người con nơi đây cũng đã thành tài, thành đạt; nhiều người có học vị cao, có chức vụ lớn, cống hiến tích cực cho địa phương, cho đất nước.
Thuấn nhuần trách nhiệm với truyền thống quê hương
Trường THCS Tân Hồng được thành lập năm 1962. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã có bề dày thành tích, nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiến tiến, tiên tiến xuất sắc; tháng 7/2010, trường được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 - 2010. Tháng 7/2017, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Thực hiện định kỳ đánh giá lại, tháng 7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh kiểm tra và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng mức độ 2. Năm học 2022- 2023, thành tích dạy và học của nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển, kết quả học tập loại khá giỏi, toàn trường đat 70,2%; hạnh kiểm tốt, khá đạt tổng 93,9%; kết quả học sinh giỏi cấp huyện có 22 em, cấp tỉnh có 5 em; trong cuộc thi khảo sát chất lượng các môn Toán, Văn, Anh, nhà trường xếp thứ 5/17 trường THCS của huyện; kết quả thi vào THPT năm học 2021 - 2022, nhà trường xếp thứ 2 của huyện, thứ 12 của tỉnh. Thành tích thi đua của giáo viên, năm học 2021 – 2022, nhà trường có 10 giáo viên giỏi cấp trường, 3 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 15 giáo viên đat danh hiệu lao động tiên tiến. Năm học 2022 – 2023, số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đề nghị danh hiệu lao động tiên tiến là 18 đồng chí, trong đó danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở là 03 cán bộ, giáo viên.
Bà Đặng Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tự hào được sinh ra, được học tập, được giảng dạy trên vùng đất khoa bảng Mộ Trạch nên thầy và trò Trường THCS Tân Hồng luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối các bậc tiền bối nhằm đưa chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng cao.
Trong công tác quản lý, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động; tập trung nhân lực, vật lực đầu tư cho giáo dục đạo đức, nề nếp, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao tỷ lệ thi đỗ vào THPT. Đặc biệt, nhà trường luôn quan tâm tới việc bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, phân công giáo viên có năng lực, nhiều kinh nghiệm dạy song song để giúp đỡ những giáo viên trẻ mới ra trường; tạo môi trường thi đua học tập, giảng dạy cho học sinh và giáo viên, xây dựng cơ chế khen thưởng rõ ràng nhằm thúc đẩy cán bộ, giáo viên, nhân viên hăng say làm việc, phát huy hết sở trường của mỗi cá nhân, tạo lên phong trào, lên sức mạnh tổng hợp cho nhà trường. Song song với đó, chúng tôi còn vận dụng tốt công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nhằm đưa chất lượng giáo dục không ngừng tăng lên; đưa quan hệ giữa nhà trường, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh luôn được tương tác kịp thời, công khai, cởi mở,…
Trong công tác đổi mới giáo dục, 100% cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường đều phải đăng ký một phương án đổi mới trong quản lý và giảng dạy; toàn trường có 14/14 giáo viên ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong dạy học; hầu hết cán bộ quản lý, văn thư, kế toán đều sử dụng phầm mềm thành thạo. Ngoài việc dạy và học, nhà trường còn coi trọng hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm; phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực luôn được thực hiện nghiêm túc; nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, buổi tham quan các di tích lịch sử của địa phương, giúp các học sinh hiểu sâu về truyền thống quê hương, truyền cảm tới học sinh những giá trị đáng quý của quê nhà, trong đó có các tích liên quan đến miếu Mộ Trạch.
|
Giáo viên, học sinh nhà trường tham quan di tích miếu Mộ Trạch |
Năm học 2023 – 2024, Trường THCS Tân Hồng đặt ra mục tiêu chính là thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 8, nâng cao chất lượng dạy và học lớp 6, lớp 7,… Tuy nhiên để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, nhà trường mong muốn UBND huyện Bình Giang, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sớm quan tâm bổ sung biên chế giáo viên.
Quả thật, việc thiếu giáo viên thì chất lượng không thể nâng nhanh lên được, thiết nghĩ, UBND huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Giang sớm quan tâm, đáp ứng tới đề nghị của nhà trường để chất lượng dạy và học của trường có điều kiện bứt tốc, làm rạng danh thêm quê hương khoa bảng Mộ Trạch thân yêu, một địa danh đầy tự hào của Bình Giang nói riêng, của Hải Dương nói chung.